HỌC KẾ TOÁN THỰC HÀNH THỰC TẾ TỐT NHẤT HIỆN NAY


học gia sư kế toán

dịch vụ kế toán trọn gói

Cách Hạch Toán Tài Khoản 153 Theo Thông Tư 133


Hướng dẫn cách hạch toán tài khoản 153 công cụ dụng cụ theo thông tư 133/2016/TT-BTC và hướng dẫn cách định khoản một số nghiệp vụ kế toán chủ yếu liên quan tới tài khoản 153

I/ Nguyên tắc của tài khoản 153 công cụ dụng cụ theo thông tư 133:

Theo điều 25 thông tư 133/2016/TT-BTC, khi hạch toán tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ phải tuân thủ một số nguyên tắc kế toán sau:

“1.1. Kế toán nhập, xuất, tồn kho công cụ, dụng cụ trên Tài khoản 153 được thực hiện theo giá gốc quy định trong chuẩn mực “Hàng tồn kho”. Nội dung giá gốc của công cụ, dụng cụ  được xác định tuỳ theo từng nguồn nhập:

– Giá gốc của công cụ, dụng cụ  mua ngoài, bao gồm: Giá mua ghi trên hóa đơn, các khoản thuế không được hoàn lại (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT hàng nhập khẩu không được khấu trừ, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có)), chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, phân loại, bảo hiểm,… công cụ, dụng cụ từ nơi mua về đến kho của doanh nghiệp, công tác phí của cán bộ thu mua, chi phí của bộ phận thu mua độc lập, các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc thu mua công cụ, dụng cụ và số hao hụt tự nhiên trong định mức (nếu có):

+ Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ thì giá trị của công cụ, dụng cụ  mua vào được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT.

+ Nếu thuế GTGT hàng nhập khẩu không được khấu trừ thì giá trị của công cụ, dụng cụ mua vào bao gồm cả thuế GTGT

Xem thêm bài: Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT

– Giá gốc của công cụ, dụng cụ tự sản xuất, bao gồm: Giá thực tế của công cụ, dụng cụ là giá thành sản xuất thực tế do doanh nghiệp sản xuất, kiểm nhận, nhập kho.

– Giá gốc của công cụ, dụng cụ thuê ngoài gia công sản xuất, bao gồm: Giá thực tế của công cụ, dụng cụ xuất thuê ngoài gia công chế biến, chi phí vận chuyển công cụ, dụng cụ đến nơi chế biến và từ nơi chế biến về doanh nghiệp, tiền thuê ngoài gia công chế biến.

– Giá gốc của công cụ, dụng cụ  nhận góp vốn liên doanh, cổ phần: Là giá trị được các bên tham gia góp vốn liên doanh thống nhất đánh giá chấp thuận cộng (+) với các chi phí tiếp nhận mà doanh nghiệp phải bỏ ra ( nếu có).

– Giá gốc của công cụ, dụng cụ được tặng, thưởng: Là giá trị thị trường tương đương cộng (+) với chi phí liên quan đến việc tiếp nhận ( nếu có). 

1.2. Việc tính giá trị công cụ, dụng cụ xuất kho cũng được thực hiện theo một trong ba phương pháp sau:

+ Phương pháp Nhập trước – Xuất trước;

+ Phương pháp giá thực tế đích danh;

+ Phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập hoặc cuối kỳ. 

1.3. Kế toán chi tiết công cụ, dụng cụ phải thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm, từng thứ công cụ, dụng cụ. Công cụ, dụng cụ xuất dùng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê phải được theo dõi về hiện vật và giá trị trên sổ kế toán chi tiết theo nơi sử dụng, theo đối tượng thuê và người chịu trách nhiệm vật chất. Đối với công cụ, dụng cụ có giá trị lớn, quý hiếm phải có thể thức bảo quản đặc biệt.

 1.4. Đối với các công cụ, dụng cụ có giá trị nhỏ khi xuất dùng cho sản xuất, kinh doanh phải ghi nhận toàn bộ một lần vào chi phí sản xuất, kinh doanh. 

1.5. Trường hợp công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê xuất dùng hoặc cho thuê liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán thì được ghi nhận vào Tài khoản 242 “Chi phí trả trước” và phân bổ dần vào giá vốn hàng bán hoặc chi phí sản xuất kinh doanh theo từng bộ phận sử dụng.”

II/ Kết cấu và nội dung của tài khoản 153 công cụ dụng cụ theo thông tư 133:

cách hạch toán tài khoản 153 theo thông tư 133

Bên Nợ:

– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ nhập kho do mua ngoài, tự chế, thuê ngoài gia công chế biến, nhận góp vốn;

– Trị giá công cụ, dụng cụ cho thuê nhập lại kho;

– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê;

– Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Bên Có:

– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ xuất kho sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê hoặc góp vốn;

– Chiết khấu thương mại được hưởng khi mua công cụ, dụng cụ;

– Trị giá công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán hoặc được người bán giảm giá;

– Trị giá công cụ, dụng cụ thiếu phát hiện khi kiểm kê;

– Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Số dư bên Nợ: Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho.

III/ Phương pháp hạch toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu liên quan tới tài khoản 153 công cụ dụng cụ theo thông tư 133

3.1. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.

3.1.1. Trường hợp mua công cụ, dụng cụ về nhập kho:  

a) Trường hợp mua công cụ, dụng cụ về nhập kho theo đúng hóa đơn:

Khi mua công cụ, dụng cụ về nhập kho, căn cứ hóa đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ có liên quan phản ánh giá trị công cụ, dụng cụ nhập kho:

– Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 141, 331,… (tổng giá thanh toán).

– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (giá mua bao gồm cả thuế GTGT)

Có các TK 111, 112, 141, 331,… (tổng giá thanh toán).

b) Trường hợp mua công cụ, dụng cụ khi nhập kho phát hiện thiếu so với hóa đơn:

*Trong trường hợp thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

– Khi mua ngoài nhập kho phát hiện thiếu so với hóa đơn, kế toán làm thủ tục nhập kho theo giá trị thực tế. Số hàng thiếu sẽ phải lập biên bản chờ xử lý, đồng thời kế toán sử dụng tài khoản 138(1381) – Tài sản thiếu chờ xử lý, để theo dõi giá trị hàng thiếu, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (trị giá thực tế của hàng nhập kho chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý (trị giá hàng thiếu chưa rõ nguyên nhân)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (theo hóa đơn)

Có các TK 111, 112, 331, …(theo hóa đơn).

– Khi nhận được quyết định xử lý số công cụ, dụng cụ thiếu, tùy theo từng tình huống cụ thể, kế toán sẽ tiến hành ghi sổ như sau:

+ Nếu thiếu do hao hụt tự nhiên trong định mức, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý.

+ Nếu thiếu được xác định do bên bán gửi thiếu và bên bán đã giao bổ sung đủ số công cụ, dụng cụ thiếu, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý.

+ Nếu thiếu được xác định do bên bán gửi thiếu nhưng bên bán không còn hàng để giao bổ sung, bên bán căn cứ vào biên bản kiểm nhận vật tư, hàng hóa, tiến  hành lập hóa đơn GTGT điều chỉnh giảm cho hóa đơn GTGT về số hàng thiếu đã lập để giao cho người mua. Kế toán căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh giảm ghi:

Nợ các TK 111, 112, 331… (số tiền được hoàn trả hoặc ghi giảm công nợ tương ứng với số hàng thiếu)

Có TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý (trị giá hàng thiếu đã xử lý – chưa có thuế GTGT)

Có TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (số thuế GTGT giảm tương ứng).

+ Nếu công cụ, dụng cụ thiếu do cá nhân làm mất phải bồi thường, ghi:

Nợ các TK 1388, 111 (trị giá hàng thiếu cá nhân phải bồi thường)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (trị giá hàng thiếu cá nhân bồi thường không đủ)

Có TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý (trị giá hàng thiếu đã xử lý – chưa có thuế GTGT)

Có TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (số thuế GTGT giảm tương ứng).

+ Nếu công cụ, dụng cụ thiếu không xác định được nguyên nhân hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng thì trị giá công cụ, dụng cụ thiếu sẽ được ghi tăng giá vốn hàng bán, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (trị giá hàng thiếu)

Có TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý (trị giá hàng thiếu đã xử lý- chưa có thuế GTGT)

Có TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (số thuế GTGT giảm tương ứng).

*Trong trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ:

Trị giá công cụ, dụng cụ nhập kho và trị giá công cụ, dung cụ thiếu ghi nhận ở tài khoản 1381 là giá đã có thuế GTGT (theo tổng giá thanh toán). Khi xử lý, kế toán sẽ căn cứ vào quyết định để ghi số cho phù hợp.

 c) Trường hợp mua công cụ, dụng cụ khi nhập kho phát hiện thừa so với hóa đơn:

Trong trường hợp khi hàng thu mua về kiểm nhận, nhập kho, phát hiện thừa so với hóa đơn, về nguyên tắc, bên mua phải làm văn bản báo cáo cho các bên liên quan biết để cùng xử lý. Về mặt kế toán phản ánh như sau:

*Trong trường hợp thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

c1) Nếu nhập kho toàn bộ số hàng mua ngoài (kể cả số thừa)

– Khi nhập kho kế toán phản ánh toàn bộ số thực nhập, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (toàn bộ số công cụ, dụng cụ nhập kho – giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (thuế GTGT tính theo hóa đơn)

Có TK 331 – Phải trả người bán (trị giá thanh toán theo hóa đơn)

Có TK 3381 – Tài sản thừa chờ giải quyết (trị giá hàng thừa, chưa có thuế GTGT).

– Khi nhận được quyết định xử lý số công cụ, dụng cụ thừa, tùy theo từng tình huống cụ thể, kế toán sẽ tiến hành ghi sổ như sau:

+ Nếu trả lại cho người bán, ghi:

Nợ TK 3381 – Tài sản thừa chờ giải quyết (trị giá hàng thừa đã xử lý)

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (trả lại số thừa theo giá mua chưa có thuế).

+ Nếu đồng ý mua tiếp số thừa, căn cứ vào hóa đơn GTGT do bên bán lập bổ sung về số hàng thừa, ghi:

Nợ TK 3381 – Tài sản thừa chờ giải quyết (trị giá hàng thừa chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có TK 331 – Phải trả người bán (tổng giá thanh toán số hàng thừa).

+ Nếu thừa không xác nhận được nguyên nhân, ghi tăng thu nhập khác, ghi:

Nợ TK 3381 – Tài sản thừa chờ giải quyết (trị giá hàng thừa)

Có TK 711 – Thu nhập khác (số hàng thừa không rõ nguyên nhân).

c2) Nếu nhập kho theo số trên hóa đơn:

Khi nhập kho, ghi nhận số nhập kho như trường hợp trên. Số hàng thừa kế toán theo dõi trên sổ riêng.

Khi xử lý số thừa:

+ Nếu doanh nghiệp đồng ý mua tiếp số thừa, căn cứ vào hóa đơn do bên bán lập bổ sung, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (trị giá hàng thừa – giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (thuế GTGT của số hàng thừa)

Có TK 331 – Phải trả người bán (tổng thanh toán số hàng thừa).

+ Nếu thừa không xác nhận được nguyên nhân, ghi tăng thu nhập khác, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (trị giá hàng thừa – giá chưa có thuế GTGT)

Có TK 711 – Thu nhập khác (số hàng thừa không rõ nguyên nhân).

*Trong trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ:

Trị giá công cụ, dụng cụ nhập kho và trị giá công cụ, dụng cụ thừa ghi nhận ở tài khoản 3381 là giá đã có thuế GTGT (theo tổng giá thanh toán). Khi xử lý, kế toán sẽ căn cứ vào quyết định để ghi số cho phù hợp.

3.1.2. Kế toán công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán, chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được khi mua công cụ, dụng cụ:

– Trường hợp trả lại công cụ, dụng cụ cho người bán, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (giá mua chưa có thuế GTGT)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (thuế GTGT đầu vào của công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán).

– Trường hợp trả lại công cụ, dụng cụ cho người bán, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (giá bao gồm thuế GTGT).

– Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua công cụ, dụng cụ (kể cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế về bản chất làm giảm giá trị bên mua phải thanh toán) thì kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của công cụ, dụng cụ để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số công cụ, dụng cụ còn tồn kho, số đã xuất dùng cho sản xuất sản phẩm hoặc cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:

Nợ các TK 111, 112,  331,….

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (nếu công cụ, dụng cụ còn tồn kho)

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (nếu công cụ, dụng cụ đã xuất dùng cho sản xuất)

Có TK 242 – Chi phí trả trước (nếu công cụ, dụng cụ đã xuất dùng nhưng chưa phân bổ hết vào chi phí sản xuất kinh doanh, được phân bổ dần)

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm do công cụ, dụng cụ đó cấu thành đã được xác định là tiêu thụ trong kỳ)

Có TK 642- Chi phí quản lý kinh doanh (6421, 6422) (công cụ, dụng cụ dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp)

Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (nếu công cụ, dụng cụ đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng)

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm do công cụ, dụng cụ đó cấu thành đã được xác định là tiêu thụ trong kỳ)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có) (số thuế GTGT được khấu trừ tương ứng).

3.1.3. Trường hợp hóa đơn về nhưng hàng chưa về:

Trường hợp doanh nghiệp đã nhận được hóa đơn mua hàng nhưng công cụ, dụng cụ chưa về nhập kho doanh nghiệp thì kế toán lưu hóa đơn vào một tập hồ sơ riêng “Hàng mua đang đi đường”

– Nếu trong tháng hàng về thì căn cứ vào hóa đơn, phiếu nhập kho để ghi vào tài khoản 153 –  Công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ TK 153 –  Công cụ, dụng cụ

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán; hoặc

Có các TK 111, 112, 141,…

– Nếu đến cuối tháng công cụ, dụng cụ vẫn chưa về thì căn cứ vào hóa đơn, kế toán ghi hàng mua đang đi đường, ghi:

Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi đường

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán;

Có các TK 111, 112, 141,…

– Sang tháng sau, khi công cụ, dụng cụ về nhập kho, căn cứ vào hóa đơn và phiếu nhập kho, ghi:

Nợ TK 153 –  Công cụ, dụng cụ

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

3.1.4. Trường hợp hàng về chưa có hóa đơn:

Khi hàng về, lập phiếu nhập kho và lưu phiếu nhập kho vào tập hồ sơ “ Hàng chưa có hóa đơn”. Nếu trong tháng có hóa đơn về thì ghi sổ bình thường, còn nếu cuối tháng, hóa đơn vẫn chưa về thì ghi sổ theo giá tạm tính bằng bút toán:

Nợ TK 153 –  Công cụ, dụng cụ (ghi theo giá tạm tính)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (ghi theo giá tạm tính).

Sang tháng sau, khi hóa đơn về, sẽ tiến hành điều chỉnh theo giá thực tế ( giá ghi trên hóa đơn) theo số chênh lệch giữa giá hóa đơn với giá tạm tính:

– Nếu giá hóa đơn > giá tạm tính, kế toán ghi bút toán bổ sung, ghi:

Nợ TK 153 –  Công cụ, dụng cụ (phần chênh lệch giữa giá trên hóa đơn > giá tạm tính )

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (phần chênh lệch giữa giá trên hóa đơn > giá tạm tính ).

– Nếu giá hóa đơn < giá tạm tính, kế toán ghi điều chỉnh giảm bằng bút toán ghi số âm, ghi:

Nợ TK 153 –  Công cụ, dụng cụ (phần chênh lệch giữa giá trên hóa đơn < giá tạm tính )

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (phần chênh lệch giữa giá trên hóa đơn < giá tạm tính ).

– Nếu giá trên hóa đơn đúng bằng giá tạm tính, kế toán không phải điều chỉnh

Lưu ý:

Đối với các doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì đồng thời với bút toán điều chỉnh giá tạm tính ở trên, kế toán sẽ tiền hành ghi nhận thuế GTGT đầu vào của hàng hóa theo hóa đơn, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (tổng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của hàng hóa trên hóa đơn)

Có TK 331- Phải trả cho người bán (số tiền phải trả người bán tương ứng).

+ Đối với các doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc đối với các đối tượng không chịu thuế GTGT thì khi điều chỉnh giá tạm tính, kế toán đã ghi nhận theo tổng giá thanh toán của hành hóa (gồm cả thuế GTGT).

3.1.5. Chiết khấu thanh toán được hưởng:

Khi trả tiền cho người bán, nếu được hưởng chiết khấu thanh toán, thì khoản chiết khấu thanh toán thực tế được hưởng được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, ghi:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (chiết khấu thanh toán).

3.1.6. Đối với công cụ, dụng cụ nhập khẩu:

– Khi nhập khẩu công cụ, dụng cụ, nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 153 –  Công cụ, dụng cụ (giá mua bao gồm các loại thuế: NK, TTĐB,  BVMT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312)

Có TK 3332- Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu – nếu có)

Có TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có).

– Khi nhập khẩu công cụ, dụng cụ, nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (giá mua bao gồm các loại thuế: GTGT, NK, TTĐB,  BVMT)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312)

Có TK 3332- Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu – nếu có)

Có TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có).

– Trường hợp mua công cụ, dụng cụ có trả trước cho người bán một phần bằng ngoại tệ thì phần giá trị công cụ, dụng cụ tương ứng với số tiền trả trước được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước. Phần giá trị công cụ, dụng cụ mua bằng ngoại tệ chưa trả được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm mua công cụ, dụng cụ.

3.1.7. Các chi phí về thu mua, bốc xếp, vận chuyển công cụ, dụng cụ từ nơi mua về kho doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu được khấu trừ)

Có các TK 111, 112, 141, 331,…

3.1.8. Đối với công cụ, dụng cụ nhập kho do thuê ngoài gia công, chế biến:

– Khi xuất kho công cụ, dụng cụ đưa đi gia công, chế biến, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Khi phát sinh chi phí thuê ngoài gia công, chế biến, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)

Có các TK 111, 112, 131, 141,…

– Khi nhập lại kho số công cụ, dụng cụ thuê ngoài gia công, chế biến xong, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

3.1.9. Đối với công cụ, dung cụ nhập kho do tự sản xuất:

– Khi xuất kho công cụ, dụng cụ để tự chế biến, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Khi nhập kho công cụ, dung cụ đã tự chế biến, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

3.1.10. Khi xuất kho công cụ, dụng cụ sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, cho thuê, ghi:

– Nếu giá trị công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng xuất dùng hoặc cho thuê liên quan đến một kỳ kế toán được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh một lần, ghi:

Nợ các TK 154, 642,..

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Nếu giá trị công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng xuất dùng hoặc cho thuê liên quan đến nhiều kỳ kế toán được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh, ghi:

+ Khi xuất công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng xuất dùng hoặc cho thuê, ghi:

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

+ Khi phân bổ vào chi phí sản xuất, kinh doanh cho từng kỳ kế toán, ghi:

Nợ các TK154, 642,…

Có TK 242 – Chi phí trả trước.

Lưu ý: Trong trường hợp xuất kho công cụ, dụng cụ để cho thuê, kế toán phải phản ánh thêm các bút toán:

– Ghi nhận doanh thu về cho thuê công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131,…

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)

Có TK 3331 – Thuế  GTGT phải nộp (33311).

– Khi nhận lại công cụ, dụng cụ cho thuê, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 242 – Chi phí trả trước (giá trị còn lại chưa tính vào chi phí, phân bổ dần).

3.1.11. Xuất công cụ, dụng cụ sử dụng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sửa chữa lớn TSCĐ, ghi:

Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

3.1.12. Đối với công cụ, dụng cụ đưa đi góp vốn vào đơn vị khác, khi xuất kho công cụ, dụng cụ , ghi:

Nợ TK 228 – Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (theo giá đánh giá lại)

Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ)

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (theo giá trị ghi sổ)

Có TK 711 – Thu nhập khác (giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ).

3.1.13. Khi xuất công cụ, dụng cụ dùng để mua lại phần vốn góp vào đơn vị khác, ghi:

– Ghi nhận doanh thu bán công cụ, dụng cụ và khoản đầu tư vào đơn vị khác, ghi:

Nợ TK 228 – Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (theo giá hợp lý)

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331 – Thuế GTGT đầu ra phải nộp.

– Ghi nhận giá vốn công cụ, dụng cụ dùng để mua lại phần vốn góp vào đơn vị khác, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

3.1.14.  Đối với công cụ, dụng cụ thiếu hụt phát hiện khi kiểm kê: 

Mọi trường hợp thiếu hụt công cụ, dụng cụ trong kho hoặc tại nơi quản lý, bảo quản phát hiện khi kiểm kê phải lập biên bản và truy tìm nguyên nhân, xác định người phạm lỗi. Căn cứ vào biên bản kiểm kê và quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền để ghi sổ kế toán:

– Nếu do nhầm lẫn hoặc chưa ghi sổ phải tiến hành ghi bổ sung hoặc điều chỉnh lại số liệu trên sổ kế toán;

– Nếu giá trị công cụ, dụng cụ hao hụt nằm trong phạm vi hao hụt cho phép (hao hụt trong định mức), ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Nếu số hao hụt, mất mát chưa xác định rõ nguyên nhân phải chờ xử lý, căn cứ vào giá trị hao hụt, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381)

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Khi có quyết định xử lý, căn cứ vào quyết định, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt (người phạm lỗi nộp tiền bồi thường)

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388) (tiền bồi thường của người phạm lỗi)

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (trừ tiền lương của người phạm lỗi)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần giá trị hao hụt, mất mát công cụ, dụng cụ còn lại phải tính vào giá vốn hàng bán)

Có TK 138 – Phải thu khác (1381).

– Trường hợp công cụ, dụng cụ thiếu đã xác định ngay được nguyên nhân và người chịu trách nhiệm thì căn cứ vào nguyên nhân hoặc người chịu trách nhiệm bồi thường, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388) (số phải bồi thường)

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (số bồi thường trừ vào lương)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị hao hụt, mất mát của công cụ, dụng cụ sau khi trừ số thu bồi thường theo quyết định xử lý).

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

3.1.15. Đối với công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê:

– Nếu đã xác định được nguyên nhân thì căn cứ nguyên nhân thừa để ghi sổ;

– Nếu chưa xác định được nguyên nhân thì căn cứ vào giá trị công cụ, dụng cụ thừa, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (số công cụ, dụng cụ thừa theo giá trị hợp lý)

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381).

Khi có quyết định xử lý công cụ, dụng cụ thừa phát hiện trong kiểm kê, căn cứ vào quyết định xử lý:

+ Nếu trả lại người bán:

Nợ TK 338  – Phải trả, phải nộp khác (3381) (số công cụ, dụng cụ thừa trả lại người bán)

Có TK 153 – Công cụ, dụng (số công cụ, dụng cụ thừa trả lại người bán)

+ Nếu thông báo cho người bán và mua lại số công cụ, dụng cụ thừa, ghi:

Nợ TK 338 –  Phải trả, phải nộp khác (3381) (số công cụ, dụng cụ thừa mua lại của người bán)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)

Có các TK 111, 112, 331,…(tổng thanh toán số công cụ, dụng cụ thừa mua lại của người bán).

+ Nếu không tìm được nguyên nhân:

Nợ TK 338  – Phải trả, phải nộp khác (3381) (số công cụ, dụng cụ thừa không tìm ra nguyên nhân)

Có TK 711 – Thu nhập khác (số công cụ, dụng cụ thừa không tìm ra nguyên nhân).

– Nếu xác định ngay khi kiểm kê số công cụ, dụng cụ thừa là của các doanh nghiệp khác khi nhập kho chưa ghi tăng TK 153 thì không ghi vào bên Có tài khoản 338 (3381) mà doanh nghiệp chủ động ghi chép và theo dõi trong hệ thống quản trị và trình bày trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.

3.1.16.  Đối với công cụ, dụng cụ không cần dùng:

– Khi thanh lý, nhượng bán công cụ, dụng cụ, kế toán phản ánh giá vốn ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Kế toán phản ánh doanh thu bán công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5118)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

3.2. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

3.2.1.  Đầu kỳ, kết chuyển trị giá công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ, ghi:

Nợ TK 611 – Mua hàng

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

3.2.2. Cuối kỳ, căn cứ vào kết quả kiểm kê xác định giá trị công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 611 – Mua hàng.

 

Các tin cũ hơn

Gọi điện
tel
Chat Zalo
Chat Zalo